Rượu mơ cho ngày hè nóng bức – 梅酒

Trước khi tiếp tục xem tiếp bài viết, vui lòng ủng hộ chúng tôi bằng cách click vào link dưới đây hoặc like facebook của chúng tôi

https://www.facebook.com/NoiThatNghiDuong

http://noithatnghiduong.wordpress.com/

http://www.noithatnghiduong.com/

————————–

Umeshu (Mai Tửu) – rượu trái mơ – là một trong những món khoái khẩu của mình và thằng bạn thân ở Nhật. Dĩ nhiên chẳng bao giờ mình uống nổi một ly rượu mơ nào, nhưng nhấm nháp món nước mơ (chưa lên men rượu) vào những ngày hè thì thiệt là “số dách”.

Hồi tháng trước ngồi hì hụi làm rượu mơ cho mấy đứa em họ, không lâu sau lại thấy một chị bạn update hình ảnh làm nước mơ trên facebook, rồi mấy nay lại hì hụi làm tới 4 hũ to + 1 lọ nhỏ nước mơ ( và có thể sẽ biến thành rượu mơ nếu để lâu) để dùng dần và đem đi tặng trai nhà.

Thôi thì cũng chia sẻ với mọi người một số cách làm rượu mơ cực kỳ đơn giản nhưng hơi bị ngon nhé! 🙂

Tìm hiểu một tẹo về mơ

Tóm lại, chúng ta nên tung tăng với mơ nếu muốn luôn xinh đẹp và khỏe mạnh!

Trong trái mơ, đoán xem chúng ta có gì hen: axit, carotene, vitamin C, vitamin B1, tanin, lycopen, pectin … Tóm lại, cái đống hằm bà lằng trên có tác dụng kích thích quá trình chuyển hóa oxy trong tế bào, làm tế bào hồi phục với “tốc độ tên lửa” và chống lão hóa một cách hữu hiệu.

Uống nước mơ thường xuyên thì cơ thể sẽ được cung cấp lượng vitamin A cần thiết, làm sáng mắt và giữ cho da dẻ mịn màng.

Loại nước này còn có tác dụng cân bằng hệ thần kinh và giúp dễ ngủ.

Tinh dầu trái mơ rất tốt cho da mặt, thích hợp cho da người lớn và da nhạy cảm, làm giảm sự viêm da. Sau khi được hấp thụ qua da, nó giúp tái tạo, nuôi dưỡng và giữ ẩm cho da mặt.

Mơ chín có nhiều vitamin A, C và các nguyên tố vi lượng. Mơ ngâm đường, ngâm muối vừa tạo được loại nước giải khát tốt trong những ngày hè, vừa có lợi cho hệ tiêu hóa. Bị đau bụng, nếu uống một chút nước mơ nguyên chất là ổn ngay. Quả mơ chín sau khi hái được chế biến thành mơ đen (ô mai) hay mơ trắng (bạch mai), dùng làm thuốc trị ho, giải khát, sinh tân dịch, chữa đau cổ…

Nước siro mơ có tác dụng giải khát, tăng cường sức khỏe. Cách làm rất đơn giản: Mơ chín rửa sạch, ngâm qua nước ấm có hòa thêm chút muối, sau đó vớt ra để ráo nước rồi cho vào bình thủy tinh nắp kín, cứ một lớp mơ lại rắc một lớp đường, sau đó đậy kín. Tỷ lệ thích hợp nhất là cứ một ký mơ dùng một ký đường.

Theo kinh nghiệm dân gian, rượu mơ có tác dụng tốt cho sức khỏe như kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, điều trị bệnh đường ruột, cung cấp chất dinh dưỡng cho hệ thần kinh, có tác dụng giảm chứng lo âu và căng thẳng tinh thần, trị bệnh mất ngủ.

Ngâm nước mơ kiểu Việt Nam

Xin nói trước là dễ lắm luôn. Mơ mua về rửa sạch, bỏ cuống, ngâm độ một tiếng với nước để rụng hết lông với lại thiệt sạch sẽ rồi để trên rá (hay rổ) phơi qua một nắng cho đanh lại và khô ráo.

Sau đó, lựa một hũ keo xinh xinh sạch sạch xếp mơ vào theo công thức một lớp mơ, một lớp đường (thường 1 ký mơ là 2 ký đường á) cho đến khi đầy rồi dùng nắp đậy thật kín. Thế là xong!

Khi nào thấy ra nước vàng ươm là đập đá “xúc” liền thôi.

Còn bạn nào muốn uống rượu mơ (hoặc quên, để lâu) thì cứ để đấy thêm cho đến khi nào màu vàng của nước mơ đậm hơn (gần như màu hổ phách đẹp đẹp) thì có thể dùng được rồi.

Vì cơ thể người viết khá dị ứng với rượu nên mấy đứa em họ thường dùng để thử rượu. Ví dụ, để người viết hít hít hủ mơ ngâm, nếu thấy người viết ngất ngây + lắc lư thì chúng liền “ồ, à – rượu đã thành rồi đấy”!

Rượu mơ kiểu Umeshu Nhật Bản

Có nhiều loại mơ, vàng vàng, ươm đỏ, mơ xanh… Ở Nhật người ta thường làm rượu bằng mơ xanh để có hương chát và trung tính vì mơ vàng theo đánh giá là hơi bị ngọt. Mơ ở Nhật thường…bự cát xì nái…chứ không bé bé xinh xinh như mơ Việt Nam. Tiếc là không có hình chụp thực tế đành mượn hình từ internet minh họa cho mọi người xem để hình dung.

mơ có màu vàng thì sẽ cho ra vị ngọt

mơ xanh thì sẽ cho ra hương vị chát hay trung tính hơn

Tiếp theo là phần rượu. Khác với cách làm ở Việt Nam là để tự lên men, cách làm Umeshu lại có dùng rượu trắng cỡ từ 40-45 độ là đẹp nhất! Tại sao dùng rượu trắng – vì đó là loại rượu thuần khiết nhất để mọi người có thể cảm nhận được trọn vẹn cái ngon của mơ. Tóm lại, làm gì làm, rượu bạn chọn “bèo nhất” cũng phải từ 40 độ trở lên, nếu không sẽ không đủ ép phê với trái mơ để “ép” chúng lên men và tiết ra chất ngọt đặc trưng.

Đường dùng để ngâm rượu nên là đường phèn vì chúng ngọt thanh, không gắt và không dễ tan như đường kính.Do vậy, đường sẽ tan cùng lúc với lúc trái mơ lên men và tiết ra chất ngọt tạo nên độ cân bằng và hương vị kết hợp ngon, hài hòa.

Nguyên liệu nè:

1 kg mơ

500 g đến 700g đường phèn tùy theo mọi người hảo ngọt hay không

Độ 1,8 lít rượu trắng

Bình đựng rượu 4 đến 5 lít (vì nước sẽ nở, sẽ nở haha 🙂 )

Bắt tay thực hiện nè:

Rửa sạch từng trái mơ một cách nhẹ nhàng , nâng niu, kĩ lưỡng, rửa ít nhất trên 5 phút.

Ngâm mơ ngập trong nước độ 1 tiếng đồng hồ để tẩy sạch mọi cặn bẩn, nhất là mơ xanh thì càng phải ngâm lâu từ 1 đến 2 tiếng.

Sau đó dùng khăn sạch lau khô từng trái mơ.

Rồi dùng tăm tre khêu cuống của từng trái mơ bỏ đi.

Sắp xếp mơ vào bình với đường phèn theo như hình sau, xen kẽ 1 lớp mơ thì 1 lớp đường và cuối cùng là 1 lớp đường phủ lên trên.

Sau cùng thì chế rượu trắng vào.

Cuối cùng thì đem bình ngâm rượu vào chỗ thoáng mát khô ráo và chờ đợi thôi. Khoảng 6 tháng là rượu mơ có thể uống được rồi, nhưng ngon nhất là khoảng ngâm từ 1 năm trở lên. Tuy nhiên nếu rượu ngâm sau 1 năm thì các bạn nhớ lấy hết trái mơ trong bình ra vì từ lúc đó là mơ đã tiết hết chất ngọt và cũng bắt đầu thối rửa nên để luôn trong bình thì cũng không an toàn và vệ sinh lắm.

Chúc mọi người thành công nha!

 

(Có tham khảo bài viết của Mirachan ‘s kitchen ^^)

Leave a comment